Phản ánh chân thực - Phần 2
Chuyện
về vùng đất xanh
Thứ 5 này tôi về Nội.
“Ren ren ren”... tiếng chuông điện thoại
reo lên inh ỏi ở nhà sau.
Tôi đang loay hoay trước ngõ với mấy con ki nhà hàng xóm. Nghe âm thanh quen thuộc – chuông điện thoại này đã theo tôi cả chặng đường đại học, tôi lật
đật chạy vào:
-
Alo, con nghe cha ơi.
Tiếng lạc xạc từ đầu dây bên kia. Cha tôi
vẫn đang dở tay ở nơi làm việc.
-
Tranh thủ thay đồ, xách mấy con cua, về nội nghen con.
-
Dạ, con đi liền.
Tôi tắt máy, nhanh chóng thay vội bộ đồ
bông hoa đang mặc trên người. Lấy mấy con cua mà mẹ mua khi sáng. Rồi kéo chiếc
xe – tài sản quý giá mà Cha Mẹ đã cấp, rồi phi nhanh về Nội. Từ khi tôi về nhà
hơn cả tháng, đây mới là lần đầu tôi bước ra đường. Bên ngoài vẫn nóng, cái
nóng của buổi chiều tà làm người ta thấy bứt rứt. Đường về Nội đã có nhiều đổi
thay, không còn là đất xám, đá xanh mà là con đường phủ nhựa, nhà cũng chuyển từ
mái lá thành mái tôn, xi măng. Nhà nào cũng có hàng rào, che chắn. Nghĩ... ở
quê, mọi người dần cũng không còn mấy khi tụ họp như trước, mà thấy buồn. “Đèn
nhà ai nấy sáng” dần đã bao trùm chốn thôn quê.
Qua hai cây cầu, tôi gặp được Cha đang chuẩn
bị thu dọn để về nội cùng. Vì khi sáng hai Cha con đã hẹn nhau trước với nhau.
Nắng bắt đầu nhạt, mặt trời dần xuống, thấp thoáng ở rặng tre. Hai Cha con tôi cũng
kịp về tới nhà nội.
Không vội lên nhà.
Cha và cả tôi nữa ghé qua thăm mảnh đất – nơi mà tôi sinh ra và lớn lên. Đã 10 năm,
gia đình tôi rời khỏi chốn này vì một số lý do khách quan. Tôi ít khi trở lại,
vì mãi lo học hành và lòng cũng không muốn. Nhưng bao năm nó vẫn ở đó, như đợi
tôi. Một vùng ký ức tuổi thơ ùa về mà lòng thấy nặng trĩu.
-
Chỗ này mình với nhỏ em hay chơi bịt mắt trốn tìm này.
-
À bụi trúc hay chơi nhà chòi nè trời, giờ hông còn nhiều như xưa hennnn
-
Cây hạnh (tứ quý/ tắc) vẫn còn sống, mày cao quá rồi. Chỗ này mình làm nhỏ em
té ngất đây nè.
-
....
Tôi cứ đi đi lại lại mà lẩm bẩm trong bụng.
Chỉ tiếc là giờ khác quá, không ai chăm tụi nó, nên không mấy tươi tốt như xưa.
Gió thổi làm mấy tàu lá dừa đung đưa, như vẫy chào tôi về thăm chúng nó. Từ
ngày đi, cha tôi là người thường xuyên về để coi sóc, trông nom, cha trồng cây
nhiều hơn. Mảnh sân và nền nhà cũ cũng đầy cây trái.
Tôi đang ngẩn ngơ nhìn mọi thứ như đứa lạ vừa
đến chốn này, thì Cha tôi ở phía sau gọi:
-
L có mang mấy con cua về không, đem lại đây cho cha.
-
Dạ con có treo trên xe nè
Cha tôi hay lấy cua cho thêm thuốc, rồi bỏ
lên mấy cây dừa đuổi chuột không cắn phá. Bao năm nay vẫn vậy, dừa vẫn cho trái
đều đều.
Năm nay sẽ ít thấy chúng hơn, vì sau nhà
không còn là ruộng lúa nữa. Lúc còn ở nơi này, năm nào cũng 3 vụ, lúa lúc nào
cũng đầy nhà. Từ năm nay, sẽ khác. Không còn mảnh đất xanh mà thay vào đó là liếp
dừa, xẻo nước. Vậy là, Cha không phải hai ba hôm phải chạy về thăm ruộng, thăm
vườn. Cũng đỡ phải vất vả hơn.
Bước ra đồng, trước mắt tôi là mấy dãy đất xám xịt, cỏ mọc thưa thớt, dừa nhu nhú xanh. Cảm giác không quen chút nào, thời
gian đã chúng nó thay đổi tất cả. Nhớ những ngày nước nổi chèo xuồng đi bắt ốc,
bắt cua. Đến mùa lúa chín, mấy chị em trong xóm kéo nhau đi xem cắt lúa, rồi trốn
mẹ đi thả diều...
Trong lúc tôi nghĩ ngợi, thấy trời chạng vạng
tối, cha bảo:
-
Tranh thủ lên thăm nội rồi về con
-
Dạ
Chỉ có đường từ nhà lên Nội là không mấy
thay đổi, mọi thứ cứ như vừa mới hôm qua.
Đến nơi nghe tiếng nói chuyện, đoán biết
là Nội tôi lên tiếng chào. Ông bà vui lắm, vì có mấy khi mà tôi về thăm đâu. Tôi
chạy lại ngồi với bà, rồi mấy nhỏ nghe tiếng tôi cũng chạy ra trước cửa chơi
cùng. Nghe Nội kể về lũ trẻ mà nhớ mình khi ấy cũng quậy phá chẳng vừa. Nội nói
khi nào rảnh thì chạy về chơi, biết chạy xe mà không về thăm nội gì hết. Tôi lặng
người chỉ cười rồi “dạ” cho nội vui lòng. Vì biết, lâu lắm tôi mới có dịp trở lại
nơi này.
Trời đã bắt đầu tối dần, gà đã lên chuồng.
Vội chào Nội rồi hai cha con trở về nhà.
Đường trở về, đèn đã bật tự khi nào, như hối
thúc cha con tôi.
Rồi một ngày đẹp trời nào đó con lại về
thăm nội, thăm nhà cũ, thăm mảnh đất đã nhạt màu xanh!...
------------------------------------
VL, Ngày... tháng... năm.
Nhận xét
Đăng nhận xét